Tài chính hành vi trong đầu tư

{tocify} $title = {Nội dung bài viết}

I. Tổng quan

Tài chính hành vi nghiên cứu cách con người đưa ra quyết định, xem xét các yếu tố tâm lý gây ảnh hưởng và làm thiên lệch quá trình ra quyết định của họ.

Trong thực tế, ra quyết định tài chính là một tình huống phức tạp. Khi đối mặt với quá nhiều thông tin cần xử lý và liên tục cập nhật, mọi người thường không có đủ thời gian cũng như khả năng để đi đến một quyết định hoàn toàn tối ưu. Thay vào đó, họ thường theo cách tiếp cận dễ dàng và chủ quan hơn, thường chỉ sử dụng một phần nhỏ các thông tin sẵn có và xác định một quá trình hành động phù hợp nhất với phán đoán và sự ưu tiên của bản thân. Họ hài lòng với việc đưa ra một lựa chọn "đủ tốt" hơn là đưa ra một lựa chọn "tối ưu". Khi làm như vậy, họ có thể vô tình làm thiên lệch quá trình ra quyết định đầu tư.

Tài chính hành vi không cho rằng mọi người luôn lý trí, họ có giới hạn trong việc kiểm soát bản thân và bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến của chính họ

Tài chính hành vi phân chia các thiên kiến hành vi này thành 2 nhóm chính:
  • Lỗi về nhận thức (cognitive errors)
  • Thiên kiến cảm xúc (emotional biases)

I. Lỗi về nhận thức (cognitive errors)

Lỗi về nhận thức là những lỗi cơ bản về thống kê, lỗi xử lý thông tin, hoặc liên quan đến năng lực ghi nhớ khiến quyết định đi chệch khỏi tính hợp lý. Nhìn chung, lỗi về nhận thức bắt nguồn từ lý luận sai lầm, vì vậy, thường có thể điều chỉnh hoặc loại bỏ thông qua thông tin, sự giáo dục, và lời khuyên tốt hơn. Có thể phân chia lỗi về nhận thức thành 2 loại.

1. Thiên kiến niềm tin mù quáng (belief perseverance bias)

Là kết quả của sự khó chịu về mặt tinh thần xảy ra khi thông tin mới xung đột với niềm tin hoặc nhận thức đã có trước đó. Để giải quyết sự khó chịu này, mọi người có khả năng sẽ bỏ qua hoặc sửa đổi các thông tin mâu thuẫn và chỉ xem xét các thông tin xác nhận niềm tin hoặc suy nghĩ hiện có của họ.

a. Thiên kiến bảo thủ (conservatism bias)

Xu hướng tin tưởng thông tin quá khứ

Biểu hiện hành vi:
  • Chậm thay đổi hoặc duy trì quan điểm, dự đoán trước đó cho dù thông tin thị trường đã thay đổi
  • Duy trì niềm tin trước đó thay vì đối mặt với khó khăn trong việc xử lý thông tin mới quá phức tạp

b. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias)

Khuynh hướng tìm kiếm và chú ý những gì xác nhận niềm tin trước đó, bỏ qua, hoặc đánh giá thấp bất cứ điều gì mâu thuẫn với nó.

Biểu hiện hành vi:
  • Chỉ xem thông tin tích cực về khoản đầu tư hiện có trong khi bỏ qua mọi thông tin tiêu cực về khoản đầu tư này.
  • Khi xây dựng danh mục đầu tư, nhà đầu tư có thể đã bị thuyết phục về giá trị cổ phiếu của một công ty nào đó và bỏ qua những tin tức tiêu cực, chỉ thu thập những thông tin xác nhận rằng công ty này là một khoản đầu tư tốt và nắm giữ với một tỷ trọng cao quá mức hợp lý, ít đa dạng hóa.
  • Nắm giữ tỷ trọng cao cổ phiếu công ty đang làm việc, đồng thời chỉ viết hay nói về những thông tin tốt của công ty và bỏ qua những thông tin không thuận lợi.

c. Thiên kiến ảo tưởng khả năng kiểm soát (illusion of control bias)

Xu hướng tin rằng bản thân có thể kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến kết quả trong khi thực tế thì không thể.

Biểu hiện hành vi:
  • Nhà đầu tư tin rằng họ có khả năng kiểm soát được kết quả đầu tư của mình, quan điểm này dẫn tới việc giao dịch nhiều quá mức cần thiết.
  • Nhà đầu tư thích đầu tư vào công ty mà họ cảm thấy mình có khả năng kiểm soát, chẳng hạn như công ty họ đang làm việc (đặc biệt ở vị trí cao).

d. Thiên kiến chuyện đã rồi (hindsight bias)

Đề cập tới việc khi sự kiện đã diễn ra rồi mới nhìn lại quá khứ và cho rằng bản thân đã dự đoán đúng.

Biểu hiện hành vi:
  • Đánh giá quá cao khả năng dự đoán chính xác kết quả đầu tư trong tương lai. Ví dụ, một khoản đầu tư đã tăng giá vì những lý do không lường trước được. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể sẽ viết lại ký ức của chính họ, khác với những gì thực sự đã diễn ra, để giải thích cho việc họ đã có thể dự đoán trước được sự tăng giá này. Điều này xảy ra bởi khi nhìn lại quá khứ, họ không có trí nhớ hoàn hảo và có xu hướng lấp đầy khoảng trống bằng những gì họ muốn tin tưởng
  • Xu hướng suy xét lại quá khứ có thể khiến các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức.

2. Lỗi xử lý nhận thức (processing errors)

Đề cập tới việc thông tin được xử lý và sử dụng một cách phi logic hoặc không hợp lý.

a. Hiệu ứng mỏ neo (anchoring effect)

Dựa vào một phần thông tin ban đầu để đưa ra các ước tính, phán đoán và quyết định tiếp theo.

Biểu hiện hành vi:
  • Nhà đầu tư có thể bị bám sát quá nhiều vào ước tính ban đầu và điều chỉnh không thỏa đáng khi thông tin mới được cập nhật.

b. Kế toán tâm lý (mental accounting bias)

Phân chia tiền trong nhận thức thành các “tài khoản” riêng biệt và có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định.

Biểu hiện hành vi:
  • Nhà đầu tư chia danh mục thành nhiều phần với mức rủi ro chấp nhận khác nhau, mỗi phần giải quyết cho một mục đích cụ thể, dẫn đến việc bỏ qua cơ hội giảm thiểu rủi ro bằng cách kết hợp các tài sản có tương quan thấp.
  • Nhà đầu tư coi vốn gốc và lợi nhuận là 2 phần riêng biệt. Họ sẵn sàng sử dụng phần lợi nhuận để giao dịch rủi ro cao hơn.

c. Hiệu ứng đóng khung (framing effect)

Cách đặt câu hỏi hoặc cấu trúc của câu hỏi ảnh hưởng tới câu trả lời.

Biểu hiện hành vi:
  • Tập trung vào những biến động giá trong ngắn hạn dẫn đến những cân nhắc về dài hạn bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định.

d. Thiên kiến sẵn có (availability bias)

Ước tính xác suất của một kết quả hoặc tầm quan trọng của một hiện tượng dựa trên mức độ dễ dàng nhớ lại thông tin.

Biểu hiện hành vi:
  • Lựa chọn một cổ phiếu để đầu tư chỉ vì cổ phiếu này được nhiều người quảng cáo, khuyến nghị, bỏ qua việc phân tích kỹ lưỡng các lựa chọn.
  • Mua cổ phiếu công ty chỉ vì công ty này phù hợp với sở thích cá nhân hoặc vì công ty này quen thuộc mà không đánh giá rủi ro và lợi nhuận.
  • Lựa chọn cổ phiếu dựa trên kinh nghiệm. Ví dụ, nhà đầu tư đang làm trong ngành bất động sản có nhiều thông tin và kinh nghiệm liên quan thì có xu hướng phân bổ phần lớn tỷ trọng vào cổ phiếu bất động sản.

III. Thiên kiến cảm xúc

Thiên kiến cảm xúc là thiên kiến nảy sinh một cách tự phát do thái độ và cảm giác gây ra khiến các quyết định đi chệch khỏi tính hợp lý. Thiên kiến cảm xúc khó điều chỉnh hơn lỗi về nhận thức vì chúng bắt nguồn từ sự bốc đồng hoặc trực giác hơn là những tính toán có ý thức. Thông thường, một người chỉ có thể nhận ra và thích nghi với nó.

1. Ác cảm tổn thất (loss-aversion)

Xem tổn thất nghiêm trọng hơn so với lợi ích tương đương.

Biểu hiện hành vi:
  • Khó chấp nhận cắt lỗ, giữ các vị thế lỗ lâu hơn mức hợp lý với hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ trở lại mức hòa vốn.
  • Bán các khoản đầu tư có lãi quá sớm vì sợ rằng lợi nhuận sẽ bị xói mòn.

2. Tự tin thái quá (overconfidence)

Thể hiện niềm tin không có cơ sở vào khả năng của bản thân.

Biểu hiện hành vi:
  • Đánh giá thấp rủi ro và đánh giá quá cao lợi nhuận kỳ vọng.
  • Nắm giữ các danh mục đầu tư kém đa dạng, có thể dẫn tới rủi ro đáng kể.

3. Thiên kiến tự chủ (self-control bias)

Không hành động theo đuổi mục tiêu dài hạn vì thiếu kỷ luật tự giác

Biểu hiện hành vi:
  • Nhà đầu tư gặp khó trong việc hy sinh tiêu dùng hiện tại để tiết kiệm đầy đủ cho tương lai, và khi nhận ra điều này, có thể chấp nhận quá nhiều rủi ro để cố gắng tạo ra lợi nhuận cao hơn.

4. Thiên kiến giữ nguyên hiện trạng (status quo bias)

Chọn không làm gì cả thay vì thực hiện thay đổi

Biểu hiện hành vi:
  • Biểu hiện trong đầu tư, nhà đầu tư có thể vô thức duy trì danh mục đầu tư với các mức độ rủi ro không phù hợp.
  • Không khám phá các cơ hội đầu tư mới.

5. Thiên kiến sở hữu (endowment bias)

Xu hướng đánh giá cao một tài sản khi bản thân đang sở hữu nó hơn là khi không sở hữu.

Biểu hiện hành vi:
  • Khư khư nắm giữ một loại tài sản nào đó, do đó duy trì một tỷ lệ phân bổ tài sản không phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro và mục tiêu tài chính của nhà đầu tư. Điều này đặc biệt đúng với các khoản đầu tư được thừa kế. Ví dụ, khi nhà đầu tư được thừa kế một lượng cổ phiếu, vì tình cảm gắn bó, họ có xu hướng không muốn bán ngay cả khi cổ phiếu đang đối mặt với triển vọng xấu.

6. Ác cảm hối tiếc (regret-aversion)

Xu hướng tránh ra quyết định vì sợ rằng quyết định đó có kết quả xấu

Biểu hiện tài chính:
  • Quá thận trọng trong các lựa chọn đầu tư do kết quả đầu tư trong quá khứ kém.
  • Tham gia đầu tư theo đám đông vì cảm giác an toàn hơn khi ở cùng đám đông.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn